Tổ Quốc nơi đầu sóng

Thứ hai - 10/12/2018 21:18
Tổ Quốc nơi đầu sóng
Rất vui được gặp lại thầy cô và các em trong chuyên mục giới thiệu sách tháng 12 năm 2018.
Thầy cô và các em học sinh thân mến!
Có lẽ cái tên Trường Sa – Hoàng Sa cũng không còn xa lạ với thầy và trò Trường THCS Liên Đầm. Trong các bản tin, các khẩu hiệu mà các em đã đôi lần nhìn thấy trên ti vi, trên đường đến trường hay chính trong điệu múa mà các em thường thể hiện giữa giờ ra chơi của bài hát: Yêu lắm Trường Sa. Vâng đó là những gì về Trường Sa, nhưng không phải là tất cả. Để thầy cô và các em hiểu rõ hơn về Quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa và những con người, cảnh vật, sự sống nơi đây, tôi xin trân trọng giới thiệu tới thầy cô và các em cuốn sách Tổ Quốc nơi đầu sóng do Đoàn Bắc và một số tác giả biên soạn. Sách được nhà xuất bản Kim Đồng in ấn phát hành tháng 10 năm 2014.
Kính thưa các thầy cô giáo, thưa toàn thể các em học sinh yêu quý!
Trên tay tôi đang cầm chính là cuốn sách Tổ Quốc nơi đầu sóng. Cuốn sách chỉ dày gần 50 trang và được in chủ yếu phục vụ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng nhưng hơn 200 bức ảnh trong cuốn sách này, với những chú thích tỉ mỉ đã gửi gắm rất nhiều tâm huyết của nhóm tác giả. Được lựa chọn kĩ càng từ hàng ngàn bức ảnh về Trường Sa và Hoàng Sa, vì thế, theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc, cuốn sách “hết sức nghiêm túc và thiêng liêng”.
Tổ Quốc nơi đầu sóng là cuốn sách thứ 6 trong “Tủ sách Biển đảo” mà NXB Kim Đồng đã xuất bản sau: “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” – Nguyễn Xuân Thuỷ; “Dắt biển lên trời” – Hoàng Khánh; hay “Ta viết bài thơ gợi về biển” – Huy Cận…
          Sách gồm 3 phần, 6 chương, trong đó Phần I là “Biển, đảo – chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, phần II là “Những “cột mốc sống” kiên cường trên biển” và phần III là “Nhân dân cả nước hướng về biển, đảo quê hương”
Ngay từ những trang sách đầu tiên (tại trang 4): Nước Việt Nam chúng ta là một quốc gia ven biển với bờ biển dài hơn 3.260km và diện tích mặt biển trên 1 triệu km2 với khoảng 3000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chuỗi đảo dọc bờ biển được xác định là các mốc quốc gia trên biển để công bố đường cơ  sở ven bờ lục địa, xác định vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa – Đây chính là cơ sở pháp lí quan trọng để chúng ta khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia.
 Vâng và để có được xứ sở thiêng liêng ấy, từ nhiều thế kỉ qua, đã có lớp lớp những con người quả cảm vượt trùng dương, dâng hiến cuộc đời mình, bảo vệ và gìn giữ vẹn toàn non sông.
Thầy cô và các em thân mến!
Các bức ảnh trong cuốn sách được sắp xếp như một bộ phim thú vị về Trường Sa và Hoàng Sa. Độc giả có thể được đi “Du lịch khám phá”  vòng quanh hai quần đảo: nhìn toàn cảnh từ trên cao xuống, được đến thăm các địa danh, viếng các ngôi chùa, vào các gia đình cư dân trên đảo, thậm chí còn được” lặn sâu” xuống đáy biển để ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp với những chú cá hề, hay những con sao biển, đồi mồi… rồi ngoi lên mặt biển để đùa giỡn với các chú cá heo và theo dõi từng đàn chim di cư. Hẳn người đọc cũng sẽ thích thú khi được ngắm những “đặc sản” của Trường Sa mà lâu nay mới chỉ nghe tên như quả bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp….(tại trang 24)
 Bạn đọc cũng sẽ bất ngờ khi được ngắm cuộc sống trù phú trên đảo qua hình ảnh những chú gà, chú ngỗng, những đàn bò và cả những bạn chó, mèo đáng yêu dưới những tán cây xanh mát. Và đặc biệt, bạn đọc sẽ được “gặp gỡ” các chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển, các gia đình cư dân đang sinh sống trên đảo, xem những chiến sĩ, ngư dân và các bạn nhỏ ở đây làm việc, học tập và sinh hoạt như thế nào.(tại trang 22)
Bạn cũng được “ tham gia” vào lễ tế Đội Hoàng Sa – một lễ hội truyền thống của ngư dân Việt Nam tái hiện lại truyền thuyết 50 người con theo cha xuống biển và hình ảnh cha ông ta những ngày đầu đi khai thác và khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. (tại trang 26, 27)
 Đắm mình trong những trang sách của “Tổ quốc nơi đầu sóng”, độc giả sẽ hình dung được chiều dài lịch sử của Trường Sa và Hoàng Sa qua những thư tịch và bản đồ cổ được các học giả hang đầu Việt Nam dày công khảo cứu. (từ trang 30 đến 41)
Tâm đắc với cuốn sách này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh: Đây là cuốn sách có nội dung tương đối toàn diện, hấp dẫn và có sức truyền tải mạnh mẽ.
Không thể tách lìa khỏi dải đất hình chữ S, Hoàng Sa – Trường Sa sẽ mãi mãi là phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nơi ghi dấu những dòng sử bi hùng cũng như ẩn tàng biết bao vẻ đẹp tự nhiên cần tìm hiểu và khám phá.
 Với mong muốn góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biển đảo và chủ quyền biển đảo; qua những bức ảnh chân thật và sinh động về thiên nhiên, cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào, chiến sĩ do chính tác giả đã và đang công tác tại Trường Sa trực tiếp thực hiện, hi vọng cuốn sách Tổ quốc nơi đầu sóng sẽ là một tặng phẩm bé nhỏ, nhưng sâu nặng nghĩa tình gửi tới bạn đọc. Cuốn sách như góp phần bồi đắp kiến thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tinh thần yêu nước, long tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sách hiện có trong thư viện của nhà trường. Trân trọng kính mời thầy cô và các em cùng tìm đọc!


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây